Dùng thử Android N: nhiều thay đổi hữu ích để nâng cao trải nghiệm
Thật là bất ngờ khi Google đột ngột tung ra bản thử nghiệm Android N khác hẳn với mọi năm, làm cho rất nhiều người đặc biệt là những lập trình viên Android như mình và rất nhiều người trong các bạn không thể tưởng tượng nổi, vì vậy mình xin được phép “mượn” tạm bài viết “Dùng thử Android N: nhiều thay đổi hữu ích để nâng cao trải nghiệm” bên tinhte.vn để giới thiệu tới các bạn các điểm mới trong Android N phiên bản thử nghiệm vừa được Google công bố gần đây.
Hết sức bất ngờ, Google tung ra Android N không giống bất kì năm nào trước đi và mình đã nhanh chóng đi kiếm một con Nexus 6P về xài thử. Android N mang trong mình khá nhiều điểm mới đáng chú ý, ví dụ như khả năng chạy đa nhiệm chia màn hình, hệ thống thông báo được làm mới, khả năng trả lời tin nhắn trực tiếp từ notification, ứng dụng Settings mới, chế độ Data Saver giúp tiết kiệm dung lượng 3G / 4G… Những thứ này không chỉ đổi mới về giao diện mà ẩn trong đó còn là nhiều điểm đáng khen về mặt trải nghiệm người dùng.
Đa nhiệm chia màn hình
Tính năng Split Screen của Android N giống hệt với chức năng Multi Windows của Samsung hiện nay, đó là bạn có thể chia dọc màn hình điện thoại ra làm hai để chạy hai ứng dụng song song nhau. Nếu bạn sử dụng tablet thì Android N sẽ chia hai app theo chiều ngang, tương tự như iOS 9 hay Windows 10. Có một thanh đen phân cách giữa hai ứng dụng với nhau, chúng ta có thể kéo thanh này để điều chỉnh kích thước mỗi app lại cho phù hợp với sở thích và nhu cầu.
Khả năng chạy đa nhiệm như thế này là một điểm bổ sung tốt nhưng mình thấy nếu dùng trên tablet thì sẽ đáng giá hơn, còn với điện thoại thì chúng ta không có nhiều lợi ích bằng. Thứ nhất, vì màn hình smartphone của chúng ta bình thường đã nhỏ rồi nên nếu còn cắt đôi ra cho hai app khác nhau nữa nên lượng nội dung hiển thị sẽ bị giảm đi khá nhiều. Thứ hai, nếu bạn đang xài app nào đó mà cần gõ bàn phím thì khi đó ứng dụng còn lại sẽ bị thu lại còn có chút xíu, không thấy được gì cả. Ví dụ: nếu bạn vừa chat Messenger vừa mở trình duyệt thì khi bạn nhập chữ trong Messenger, Chrome sẽ rút gọn lại đến mức bạn chẳng thấy gì nữa. Chỉ khi bấm back để ẩn bàn phím ảo đi thì nó mới trở lại như lúc đầu.
Còn để vừa xem YouTube vừa chơi Facebook hay duyệt web? Nghe cũng hay đấy, YouTube vẫn chạy ngon ở chế độ đa nhiệm nhé các bạn. Nhưng ngay khi bạn vừa bấm lên app còn lại thì YouTube ngay lập tức sẽ ngừng lại. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không thể vừa coi YouTube vừa lên Tinh tế được vì lúc bạn cuộn Tinh tế cũng là lúc YouTube bị tạm ngưng rồi.
Hiện tại Split Screen của Android N chưa hỗ trợ tính năng kéo thả nội dung như là Galaxy Note với cấy bút S-Pen, hơi tiếc vụ này một chút vì nó tiện hơn so với thao tác chọn rồi copy truyền thống. Android N còn có thêm chức năng Picture in Picture nữa để chuyển video thành dạng cửa sổ và xem trong khi đã thoát app hoặc chuyển sang xài app khác. Nhưng hiện tại chưa có app nào hỗ trợ cả nên chưa thử được.
Thông báo mới
Mình hứng thú với điểm này hơn là tính năng chạy đa nhiệm vì thông báo là thứ mà chúng ta xài hằng ngày hằng giờ trên điện thoại Android. Android N làm cho phần thông báo này trở nên gọn gàng hơn, liền mạch và nhẹ nhàng hơn hơn so với các thế hệ Android trước vì khoảng trống đen giữa các notification đã không còn nữa. Giờ đây khi mở notification center xuống, bạn sẽ có cảm giác tách biệt và thân thiện hơn với những ứng dụng đang chạy. Trước đây do hiệu ứng nền trong suốt mà lại có khoảng cách khá lớn giữa các notification nên không đẹp và dễ làm chúng ta phân tâm trong quá trình đọc nội dung của các notification.
Icon của app trên từng thông báo bây giờ của Android N xuất hiện với kích thước nhỏ hơn nên khó nhìn hơn so với trước, một số icon có màu thì dễ phân biệt, ví dụ như của Gmail hay Google Now, còn những app khác như Facebook hay Facebook Messenger thì chưa thấy có. Có lẽ phải đợi nhà phát triển sửa lại code thì mới có màu.
Thông báo của Android N nằm bên trái, Android 6.0 Marshmallow nằm bên phải
Một điểm mới nữa mà Google giới thiệu đó là Bundle Notification, tức là thông báo của cùng một app sẽ được gom lại chung với nhau. Trong ít giờ đồng hồ mình thử nghiệm thì chưa thấy rõ sự khác biệt của tính năng này so với việc nhóm thông báo của Android 4.x, 5.x và 6.x. Vụ này sẽ tìm hiểu thêm rồi nói cho anh em biết sau.
Trả lời tin nhắn từ thông báo
Tính năng trả lời tin nhắn trực tiếp từ thanh thông báo cũng là một điểm mới trên Android N. Chức năng này cũng sẽ được mở ra cho các lập trình viên bên thứ ba sử dụng, nhưng hiện tại thì chưa có app hỗ trợ cả. Lưu ý rằng việc reply này là sử dụng ngay notification của chúng ta luôn, không phải sử dụng một hộp thoại nhỏ được thiết kế cho giống thông báo như cách mà các app nhắn tin cho Android hiện tại hay sử dụng. Giao diện khi reply cũng rất đẹp và hiện đại, giống với phần còn lại của hệ thống thông báo.
Về mặt hình thức và độ tiện dụng thì giống nhau, tức là cũng tốt và tiện nên không có gì phải bàn thêm. Hiện tại ngoài Android thì iOS và Windows 10 Mobile cũng có tính năng trả lời tin nhắn từ thanh thông báo.
Quick Settings được mang ra thanh thông báo
Trước đây Quick Settings của Android bị giấu đi vào cạnh trên cùng của trung tâm thông báo và bạn phải kéo 2 ngón tay thì mới thấy được nó. Còn với Android N, một số tính năng thường dùng nhất đã được đưa thẳng ra khu Notification để bạn nhấn nhanh hơn, giống trên các máy Samsung. Tất nhiên là nếu kéo hai ngón tay thì Quick Settings đầy đủ vẫn xuất hiện như bình thường. Trước đây mình đã thắc mắc nhiều lần không biết vì sao Google lại đòi chúng ta làm đến 2 thao tác mới vào được đến Quick Settings, còn giờ thì ngon lành rồi.
Một số thao tác mới liên quan đến nút Recent Apps
- Nhấn 2 lần phím Recent Apps để quay lại ứng dụng vừa mở gần đây nhất, áp dụng cả khi đang ở home screen lẫn khi đang chạy một app nào đó
- Bấm phím Recent Apps nhiều lần để duyệt qua hình thu nhỏ của các ứng dụng đang mở
- Khi đang chạy ở chế độ Split View, nhấn giữ phím Recent Apps để quay trở lại chế độ full screen bình thường
Chế độ ban đêm
Tính năng này đã từng có mặt trên Android 6.0 Preview nhưng lúc ra mắt chính thức thì bị bỏ đi. Giờ nó đã quay trở lại, cũng khá là hay. Night mode sẽ chỉnh lại màu màn hình của bạn tùy thời điểm trong ngày để phù hợp với mắt hơn, tương tự như app f.lux hay Night Shift trên iOS 9.3 mới. Bạn cũng có tùy chọn đổi sang dùng theme đen cho hệ điều hành. Vấn đề là hiện tại tính năng này chạy chưa ổn, mình cứ tắt bật cả chục lần mới có một lần chuyển màu màn hình sang vàng đậm. Mai mốt khi nào ổn thì sẽ chia sẻ thêm với các bạn.
Ứng dụng Settings mới
App Settings trên điện thoại hầu như không có nhiều thay đổi, chỉ là các tính năng nào có chung thể loại thì được nhóm và bỏ đi những đường phân chia mà thôi. Trên tablet thì có vẻ như có thêm nút hamburger nhưng mình không có tablet để thử.
Thứ mình khóai nhất ở Settings mới đó là khả năng gợi ý những thao tác quan trọng mà bạn chưa làm trên máy, nó nằm ở đầu trang Settings trong mục Suggestions. Ví dụ, trên chiếc Nexus 6P của mình chưa thiết lập vân tay và chưa đổi hình nền bao giờ thì Settings gợi ý mình nên làm hai thứ này. Đây là một điểm tốt và rất hay về mặt trải nghiệm vì không phải người dùng nào cũng biết hết mọi thứ mà họ có thể làm trên máy. Bất kì sự gợi ý hay chỉ dẫn nào đều được hoan nghênh.
Data Saver – tiết kiệm dung lượng 3G, 4G
Android N còn được bổ sung chức năng tiết kiệm dung lượng 3G, 4G sẵn trong hệ điều hành mà không cần cài thêm app nào cả. “Khi Data Saver được kích hoạt, hệ thống sẽ giới hạn việc sử dụng dung lượng của các app khi chạy nền và ra lệnh cho app xài ít dữ liệu hơn khi có thể lúc đang chạy bình thường.” Người dùng có thể chỉ định các app quan trọng được sử dụng data thoải mái.
Data Saver sẽ cần thời gian để trải nghiệm sâu hơn nên sẽ chia sẻ thêm với anh em trong những bài viết kế tiếp.
Tóm lại, Android N là một bản thay đổi mà mình đánh giá cao vì nó tập trung làm cho trải nghiệm của chúng ta trở nên tốt hơn, có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay trên thiết bị Android. Từ việc làm lại thông báo cho tập trung hơn, đưa các nút quick settings ra ngoài nhằm giảm số thao tác cần thực hiện cho đến việc chia đôi màn hình và gợi ý các thiết lập quan trọng trong Settings. Hiện tại mình mới nghịch nhiêu đó, sẽ thử thêm và chia sẻ với anh em nữa khi mình phát hiện ra được cái gì mới.
Phía trên là nội dung bài viết từ trang tinhte.vn. Còn theo trải nghiệm trực tiếp của mình trên 1 chiếc Nexus 5X tại công ty thì ấn tượng đầu tiên của mình với Android N như sau:
- Chế độ đa nhiệm màn hình đã hoạt động ổn định, tương thích tốt với các app mặc định.
- Tuy nhiên mình lại không hài lòng với hệ thống thông báo mới trên Android N một chút nào, bởi khi nhìn vào đó mình không thấy được sự phân tách rõ ràng giữa các thông báo từ các ứng dụng khác nhau.
- Ngoài ra với việc sử dụng Quick Setting thì mình cũng không thích cái hiệu ứng mở quick setting ra 1 chút nào, trong có vẻ đẹp đấy nhưng mà khá là rườm rà.
Đấy là một số cảm nhận của mình và anh Duy Luân bên tinhte.vn về bản Android N phiên bản thử nghiệm, hi vọng bài viết giúp ích được cho các bạn và hẹn gặp lại trong các bài viết khác trên blog của mình.
- Google+
- Wordpress