[Android Tool] Tối ưu hóa code với Android Lint
Android Lint hay còn gọi là Lint Tool là một công cụ phân tích code tĩnh với chức năng phát hiện và tối ưu các lỗi tiềm ẩn bên trong source code của project của bạn để từ đó cải thiện về tính chính xác, độ bảo mật, hiệu năng, khả năng tái sử dụng, cũng như đơn giản hóa source code giúp cho người khác dễ dàng hơn trong việc đọc hiểu source code của bạn. Mặc dù Android Lint là một công cụ vô cùng hữu ích và được tích hợp sẵn trong các IDE của Android như là Eclipse + ADT hoặc Android Studio nhưng mình tin rằng nhiều bạn chưa từng sử dụng thậm chí là nghe về Android Lint. Chính vì vậy mình mong muốn thông qua bài viết này chia sẻ tới các bạn cách sử dụng một công cụ sẵn có mà đầy hữu ích là Android Lint.
I. Android Lint là gì? Và lợi ích khi sử dụng Android Lint.
Mình có biết khá nhiều người làm về lập trình và rất nhiều trong số những người đó có chung 1 quan điểm đó là code chỉ cần chạy được là đủ, và mình tin rằng còn có rất nhiều người khác trong đó có thể có cả chính bạn cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Nhưng mình xin khẳng định với các bạn rằng, quan điểm đó là cực kì sai lầm đặc biệt là khi bạn có ý định phát triển cho mình 1 sản phẩm để đời hoặc là vào làm cho 1 công ty chuyên về lập trình. Bởi vì khi đó mỗi đoạn code bạn viết ra không chỉ yêu cầu là chạy được mà còn có rất nhiều yêu cầu khác như các yêu cầu về hiệu năng, khả năng sử dụng lại, khả năng bảo trì, … Nhưng với các project với hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn dòng code thì làm sao chúng ta có thể đảm bảo được điều đó khi mà sức người là có hạn. Chính vì hiểu được điều đó nên Google đã tích hợp sẵn trong bộ Android Development Tool một công cụ giúp đơn giản hóa quá trinh tìm kiếm, phát hiện, sửa chữa và tối ưu source code của Android, và công cụ đó chính là Android Lint.
– Android Lint là một công cụ phân tích code tĩnh (static code analysis tool) được phát triển dựa trên Lint (một công cụ phân tích code nổi tiếng có mặt trên rất nhiều ngôn ngữ như C/C++, JAVA, PHP, …) và được tùy biến riêng để phân tích source code của các project Android.
– Vậy chúng ta được lợi những gì khi sử dụng Android Lint:
- Đầu tiên Android Lint giúp bạn tìm kiếm và sửa cũng như tối ưu các lỗi tiềm ẩn tồn tại trong source code của bạn.
- Cải thiện về tính chính xác, độ bảo mật, hiệu năng, khả năng tái sử dụng, cũng như đơn giản hóa source code giúp cho người khác dễ dàng hơn trong việc đọc hiểu source code của bạn.
- Việc áp dụng Android Lint cũng làm cho source code của bạn được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Google.
Đó là những điểm lợi trực tiếp tới từ việc sử dụng Android Lint, ngoài ra bạn sẽ còn được rất nhiều lợi ích khác trong quá trình phát triển, duy trì cũng như bảo trì hoạt động project của mình do đã tránh được các lỗi tiềm ẩn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống.
II. Cách thức hoạt động của Android Lint
Cũng giống như các tool về lint khác, Android Lint cũng sử dụng hệ thống checker để phân tích và phát hiện các lỗi tiềm ẩn bên trong source code. Có lẽ nhiều bạn không biết checker là gì nên mình cũng giải thích luôn, checker là các luật (rule) mà source code của bạn bắt buộc phải tuân theo. Và Android Lint cũng bao gồm 1 tập rất nhiều các checker được cung cấp bởi Google. Các bạn cũng có thể coi rằng Android Lint chính là công cụ mà Google cung cấp tới bạn để bạn có thể tuân theo các quy tắc code mà Google đề ra để đạt được hiệu quả tốt nhất.
III. Cách sử dụng Android Lint
Do hiện tại Google đã ngừng hỗ trợ ADT trên eclipse để định hướng các lập trình viên sử dụng Android Studio, nên trong bài viết này mình sẽ chỉ hướng dẫn các bạn cách sử dụng Android Lint trong Android Studio mà bỏ qua eclipse. Nếu sau này có nhiều yêu cầu mình sẽ viết riêng một bài viết khác về cách sử dụng Android Lint trong Eclipse.
Bước 1: Đầu tiên bạn cần mở project của mình trên Android Studio đã.
Bước 2: Chuột phải ở tên Project rồi chọn Analyze -> Inspect Code…
Bước 3: Lựa chọn thư mục mà bạn muốn thực hiện tối ưu code cũng như tập các checker mà bạn muốn check. Rồi nhấn OK.
Ở đây bạn có thể chọn chạy toàn bộ project, hoặc 1 thư mục trong code. Đồng thời ở phần checker các bạn cũng có thể enable hoặc disable các checker mà các bạn cảm thấy không cần thiết.
Bước 4: Chờ cho quá trình phân tích chạy xong.
Bước 5: Kiểm tra các vấn đề mà Android Lint đã phát hiện trong source code của project và fix nếu cần thiết.
Các bạn cũng có thể thấy cửa sổ Inspect (Android Lint) được chia làm 2 phần:
- Phần bên trái là danh sách các vấn đề mà Android Lint phát hiện được trong source code của bạn. Khi bạn nhấn đúp vào 1 vấn đề ở phần này thì cửa sổ code ở phía trên sẽ nhảy ngay đến vị trí có vấn đề trong source code.
- Phần bên phải là chi tiết về 1 vấn đề mà bạn đang lựa chọn. Trong phần này sẽ bao gồm vị trí và mô tả chi tiết về vấn đề cũng như gợi ý về cách sửa (ở phần Suppress)
Như vậy là mình đã giới thiệu xong tới các bạn Android Lint – một công cụ có sẵn nhưng cực kì hữu ích của Google giành cho lập trình viên Android. Sau bài viết này mình sẽ có một bài viết khác về các checker mà mình thường xuyên sử dụng, hi vọng sẽ được các bạn ủng hộ.
Nice!